Skins

Chân Dung Người Lính PCCC

 

Đăng lúc: Thứ sáu - 30/09/2011 15:38

Đã xem: 1682 Phản hồi 0

Tâm tư người lính Cảnh sát PC&CC Thành Phố Hồ Chí Minh

Hình ảnh người lính PCCC xông vào nơi đang xảy ra cháy nổ cứu người, cứu tài sản luôn luôn đẹp và rất gần gũi biết bao người dân

. Hình ảnh luôn đẹp đó có được từ ngay cái bản chất giản dị và thật đơn sơ. Tôi hiểu được điều đó khi có 3 năm là người lính Cảnh sát PC&CC Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10/2007 đứng trước cánh cửa vào đời, phải tự lựa chọn cho mình một tương lai đã thực sự làm tôi bối rối. Bố đã khuyên tôi: “ nếu con thực sự không sợ khó khăn gian khổ thì hãy nhập ngũ phục vụ có thời hạn trong lực lượng PC&CC TP.HCM, đó là nơi rèn cho ta nên người không đâu tốt bằng, và cũng là một nghề rất ổn định. Dù thu nhập cũng chỉ ở mức trung bình thôi, nhưng cũng đủ để đảm bảo cho một cuộc sống gia đình hạnh phúc”. Dù những lời nói rất đỗi mộc mạc đầy chất lính ấy mà đã giúp tôi định hướng được thực sự điều gì sẽ tốt đối với tôi . Bố tôi  là bộ đội, với hơn ba mươi lăm năm phục vụ trong Quân đội đã dựng lên một hình mẫu lí tưởng, hình tượng người Bố mà Tôi vô cùng kính phục. Với niềm tự hào ấy, niềm tin ấy tôi đã lên đường nhập ngũ. Ngày tôi nhập ngũ, lần đầu tiên phải xa nhà lâu như vậy, cảm giác nhớ nhung như đã hòa vào dòng nước mắt. Tôi đã dựa vào bờ vai gầy của mẹ và khóc rất to. Nhưng không hiểu sao, khi đã khoác trên mình chiếc áo lính chữa cháy tôi cảm thấy rất tự hào, tiễn bố về với lời hứa sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, học tập, luyện tập thật tốt. Một ngày mới của chúng tôi bắt đầu từ lúc 5h15’ sáng bằng ba hồi chuông dài. Mọi người ra khỏi giường với tác phong nhanh nhẹn, thường thì chúng tôi tập thể dục hoặc chạy dài. Tập thể dục xong mỗi người đều có nhiệm vụ của mình: người quét sân, người quét nhà…rồi sau đó là làm công tác vệ sinh cá nhân. Bài học đầu tiên là điều lệnh đội ngũ “cũng vẫn là mấy động tác nghiêm, nghỉ, đi đều như hồi cấp 3 thôi mà sao phức tạp vậy nhỉ”- Tôi tự nhủ thầm và làm theo hiệu lệnh của anh Tiểu đội trưởng.        

 

Cái nắng chói chang của Sài Gòn đã làm cho những giọt mồ hôi trên trán từ từ chảy xuống, thấm dần lên chiếc áo xanh màu lá cây. Rồi lần lượt chúng tôi được học các môn nghiệp vụ chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn. Qua thời gian phục vụ 3 năm tôi đã được học và hiểu biết thêm nhiều về người lính PC&CC, được tham gia cứu chữa nhiều vụ cháy, cứu hộ cứu nạn... Mỗi lần khoác lên người bộ quân phục màu xanh là tôi nhắc nhở mình phải hết lòng với công việc, công việc của người chiến sĩ PCCC đầy khắc nghiệt và áp lực. Nhưng đây cũng là niềm tự hào và là niềm tin để tôi phấn đấu hòan thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

 

 “Giành cái còn lại trong cái mất”…

Đó là câu nói “tuyên ngôn” khi nói đến lực lượng Cảnh sát PCCC và được xem là về công việc hằng ngày của người lính PC&CC. Những khi xảy ra cháy, những người lính cứu hỏa chúng tôi lập tức lên đường và lao vào đám cháy đương đầu với biết bao hiểm nguy khôn lường để cố giành lại cái còn lại trong cái mất cho nhân dân, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại của vụ cháy. Để được trở thành người lính cứu hỏa chúng tôi không hề đơn giản: phải có sức khỏe, phải yêu nghề và giàu lòng can đảm, phản xạ nhanh nhẹn, thông minh trong các trường hợp. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên tập luyện, dựng những vụ cháy giả để diễn tập nhằm ứng phó nhanh trong thực tế chiến đấu với “giặc lửa” có sức nóng lên đến hàng trăm độ C...

 

Đặc thù của nghề chữa cháy là lúc nào những người lính cứu hỏa cũng phải luôn ở tư thế sẵn sàng để lao vào công việc, kể cả những lúc ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí... Lính cứu hỏa thì gần như phải “lên ca” thường xuyên, do phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ để lúc nào cũng có thể hoạt động hết công suất! Cái nghề trái khoáy là vậy mà những lính cứu hỏa vẫn ngày đêm bất chấp hiểm nguy, chiến đấu với “giặc lửa” trong tình huống có thể bị tường sập, lụt bão, hoặc thiếu oxy để thở... để nhanh chóng dập tắt đám cháy, giữ được tài sản, cứu sống nhiều người... Nhưng không phải lúc nào ra quân, những người lính cứu hỏa cũng chiến thắng, vì vậy không ít vụ khiến những người lính kiên cường ấy phải rơi nước mắt, bởi sự hung tàn của giặc lửa đã đem đến những nỗi đau thương không dễ nguôi ngoai cho nhiều gia đình... Mỗi người lính cứu hỏa luôn tâm niệm rằng, phải cố gắng hết sức để nâng cao hiệu quả của công tác PCCC tại cơ sở, nâng cao tinh thần và ý thức cảnh giác phòng ngừa hỏa hoạn tốt ở mỗi người dân nhằm mang lại sự ổn định, bình yên cho gia đình và cộng đồng.

Không để  “hoả tặc” hoành hành,  những người giữ bình yên cho mùa xuân

Có lẽ vất vả và căng thẳng nhất trong những ngày lễ, tết là lực lượng cảnh sát PCCC, bởi khi lễ, tết đến xuân về cũng là mùa khô, mùa gió. Mức độ sử dụng lửa để nấu nướng , nhang  đèn trong mỗi gia đình rất cao vì vậy nguy cơ hoả hoạn có thể nói là thường trực. Chính vì thế mà công tác phòng cháy và triển khai lực lượng chữa cháy khi có hoả hoạn là hết sức khó khăn. Ngày lễ lớn, các chiến sĩ cảnh sát PCCC vẫn thường trực với tư thế sẵn sàng. Khi có hiệu lệnh báo động là khẩn trương lên đường. Dù là thực tập, các thao tác của họ vẫn chuẩn xác nhanh chóng và an toàn. Giữa bến phà, tàu khách diện tích nhỏ hẹp, đông người qua lại nhưng lực lượng PCCC Trên Sông đã phối hợp nhuần nhuyễn, nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, trình diễn thao tác chữa cháy góp phần hoàn thiện kỷ luật, bổ khuyết phương án, nhắc nhở ý thức PCCC của mỗi người dân.

Dòng đời cứ cuộn trôi hết năm này đến năm khác, vòng xoay trái đất vẫn không đổi. Nhiệm vụ của người chiến sỹ chữa cháy cũng thế , miệt mài , thầm lặng, âm thầm cống hiến để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Nhưng còn hạnh phúc riêng của mình thì sao!

Hãy một lần lắng nghe tâm sự của những người chiến sỹ Cảnh sát PC&CC, là chiến sỹ nghĩa vụ, tuổi đời còn trẻ nói nên những tâm sự rất thật và rất đời thường: “ Đêm 30 Tết năm nào cũng vậy, nhìn mọi người, mọi nhà sum họp, cả gia đình cùng đi chợ Tết, đón giao thừa; riêng lực lượng chúng tôi, đây là đêm có thể nói là cực nhất, phải thức suốt đêm để bảo vệ cho tất cả các tụ điểm bắn pháo hoa, các khu vui chơi giải trí công cộng,..Khi về đến đơn vị trời đã gần sáng .” Cái Tết cổ truyền của mỗi người dân Việt Nam quan trọng nhất là đêm 30, giờ phút đón chào một năm mới, tất cả mọi người dù ở bất kỳ nơi đâu cũng cố gắng về nhà để có mặt cho kịp lúc. Ấy vậy mà như  lời tâm sự của những người chiến sỹ cảnh sát PCCC thật cảm động biết bao…

Vâng! Người chiến sỹ Cảnh sát PC&CC TP.HCM là như thế, luôn biết chia xẻ và luôn biết hy sinh.

Dù ngày hay đêm, dù ai đó đang vui vầy với gia đình, đang mải mê dạo chợ hay đang có mặt trong những cuộc vui thì những chiến sĩ Cảnh sát PC&CC TP.HCM vẫn lên đường làm tròn nhiệm vụ. Để mùa xuân bình yên đến với mỗi mái ấm, đến với mọi người, và những ngày hội xuân có được những niềm vui bất tận…

Phạm Ngọc Ánh – Phòng Cảnh sát PC&CC Trên Sông


Nguồn tin: pccc.hochiminhcity.gov.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết